Bảo hiểm xã hội - Trụ cột chính trong hệ thống An sinh xã hội quốc gia

30/03/2020 06:07 PM


Thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1986 đến nay, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mang lại sự phát triển toàn diện cho đất nước. Đi cùng với sự phát triển kinh tế là những biến đổi sâu sắc về hệ thống chính sách xã hội và đặc biệt là hệ thống An sinh xã hội. Đến nay, hệ thống An sinh xã hội của Việt Nam mặc dù mang nét đặc trưng riêng của một nước đang phát triển nhưng đã từng bước hoàn thiện và hòa nhập với Hệ thống An sinh xã hội của thế giới cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Ở mỗi quốc gia, tùy theo xu hướng chính trị, trình độ kinh tế - xã hội, lịch sử phát triển và phong tục tập quán khác nhau mà xây dựng một Hệ thống An sinh xã hội có phạm vi đối tượng tham gia và hưởng thụ, phương thức tài chính và tổ chức thực hiện khác nhau. Khái niệm về An sinh xã hội (từ mà chúng ta quen gọi theo nghĩa Hán – Việt mà nếu dịch từ tiếng Anh hoặc tiếng Đức “Social security – soziale Sicherung” có thể hiểu là sự Bảo vệ của xã hội, là sự Bảo đảm xã hội hay sự An toàn của xã hội) được xuất hiện từ khi có chính quyền của Tổng thống Rooservelt (1933-1945) và gắn liền với nó là việc tìm kiếm con đường đi đến quyết định về quyền con người năm 1948 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Ở đây, An sinh xã hội hay Bảo đảm xã hội có thể hiểu một cách chung nhất là sự bảo đảm đời sống của từng cá nhân hoặc cơ sở sống của các thành viên trong xã hội do xã hội thực hiện. Nó giúp cho các thành viên trong xã hội tránh khỏi những mất mát cơ bản về thu nhập, về việc làm… trước những rủi ro xã hội để bình ổn cuộc sống.
 Tuy nhiên, trong mối quan hệ với chính sách kinh tế thì khái niệm An sinh xã hội được hiểu là các biện pháp đồng bộ của chính sách xã hội có tác dụng trực tiếp không những góp phần nâng cao cơ sở sống mà còn bảo vệ cơ sở sống của từng thành viên trong xã hội trước những rủi ro - tức là những tác động trực tiếp đến sự bảo đảm tồn tại kinh tế và xã hội của các tầng lớp dân cư.
 Nếu theo mục tiêu đề ra của Ủy ban Lao động quốc tế (ILO) năm 1951, về các tiêu chuẩn tối thiểu của An sinh xã hội cần đạt được là: sự khám bệnh, chữa trị và ngăn ngừa bệnh tật của bác sĩ bằng thuốc men, máy móc thiết bị y tế và các dịch vụ y tế khi người dân bị ốm đau; sự đảm bảo cuộc sống khi bị mất không tự nguyện toàn bộ hoặc một phần thu nhập cũng như giữ được mức chi trả phúc lợi bổ sung cho thu nhập của bản thân và các thành viên gia đình một cách thường xuyên. Khi các điều kiện nêu trên đã được đáp ứng thì theo cách hiểu này các quyền lợi hoặc các mục tiêu của An sinh xã hội đã được thực hiện.
Do vậy, An sinh xã hội bao gồm tất cả các quyền lợi của chính sách xã hội nhằm để bảo đảm cho con người trước những rủi ro về kinh tế và xã hội xuất hiện như: ốm đau, tai nạn, thương tật, thu hẹp việc làm, mất việc làm, tuổi già hay thiên tai. Và ngày nay, An sinh xã hội đã bao trùm lên tất cả mọi nhóm dân cư. Cụ thể hơn, An sinh xã hội chỉ sự bảo vệ của xã hội cho các thành viên của mình bằng một loạt các biện pháp công cộng nhằm chống đỡ sự hẫng hụt về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tàn tật, tuổi già và chết, kể cả sự bảo vệ chăm sóc y tế và chăm sóc gia đình có con nhỏ hoặc khi gặp phải thiên tai.
Hệ thống An sinh xã hội có thể được xây dựng dựa trên 03 “nguyên tắc cơ bản”: Nguyên tắc Bảo hiểm (Versicherungsprinzip); Nguyên tắc Cung cấp hay Ưu đãi (Versorgungsprinzip) và Nguyên tắc Bảo trợ (Fuersorgeprinzip) hoặc theo các hình thức hỗn hợp từ 03 nguyên tắc này. Điều này dễ thấy ở chính sách BHYT ở nước ta. Những đối tượng thuộc người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 06 tuổi… đều được Nhà nước đóng góp để tham gia BHYT và đương nhiên họ được hưởng các quyền lợi BHYT bình đẳng như các đối tượng khác khi khám, chữa bệnh. Như vậy, nếu theo quan hệ giữa Nhà nước với các đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 06 tuổi… thì họ thuộc diện đối tượng nhận được các quyền lợi theo nguyên tắc Bảo trợ và Cung cấp. Nhưng khi các quyền lợi này được thể hiện bằng tiền từ ngân sách nhà nước đóng góp vào quỹ BHYT và họ được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT thì họ lại thuộc diện đối tượng tham gia BHXH và thực hiện theo nguyên tắc Bảo hiểm.
Tương tự như vậy, loại hình tài chính của hệ thống An sinh xã hội cũng rất đa dạng: được thực hiện theo đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động; từ nguồn ngân sách công; từ nguồn quyên góp, tài trợ của cộng đồng trong và ngoài nước; hoặc theo hình thức liên hợp của các loại hình tài chính này.
Sự hình thành và phát triển Hệ thống An sinh xã hội ở mỗi nước rất khác nhau. Tuy nhiên, để có thể hiểu cụ thể hơn về khái niệm An sinh xã hội cũng như phạm vi hoạt động của lĩnh vực này trong nhiều năm qua ở Việt Nam, tựu chung lại nội hàm của Hệ thống An sinh xã hội ở nước ta bao gồm 03 nội dung cấu thành sau:
1. Hệ thống cung cấp hay còn gọi là hệ thống ưu đãi xã hội:
Hệ thống này hoàn toàn dựa vào các chế độ phúc lợi của Nhà nước nhưng chỉ dành riêng cho một số thành viên nhất định trong xã hội. Theo hệ thống này, người nhận được các quyền lợi do Nhà nước quy định, không đòi hỏi sự đóng góp hay điều kiện vật chất đối lại, mà dựa vào các điều kiện khác.
Ở nước ta, trải qua hơn 30 năm đấu tranh giữ nước và dựng nước thì những người nhận được quyền lợi của hệ thống này chủ yếu là những người đã có công sức đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng đã góp phần chăm lo, cải thiện đời sống của hàng triệu người, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới.
Nguồn tài chính của hệ thống ưu đãi xã hội chủ yếu từ ngân sách Nhà nước.
2. Hệ thống bảo trợ xã hội:
Hệ thống này sẽ phân chia quyền lợi cho từng nhóm đối tượng gắn với những điều kiện nhất định hoặc trong những trường hợp khẩn cấp nhất định bằng những sự trợ giúp hoặc hỗ trợ bằng hiện vật và/hoặc bằng tiền mà không xem xét đến sự đóng góp trước đó. Trong những trường hợp này, chỉ cần kiểm tra về những khó khăn và nhu cầu thiết yếu của người gặp phải rủi ro. Sự khác biệt giữa hệ thống này với hệ thống cung cấp (ưu đãi) là ở chỗ: loại hình và phạm vi các quyền lợi được hưởng phụ thuộc vào từng trường hợp (từng người), từng hoàn cảnh cụ thể và họ sẽ nhận được nếu bản thân họ, trước hết không tự mình vượt qua được sự nguy cấp đó. Sự khác biệt so với BHXH là ở chỗ, nếu quyền lợi của BHXH chỉ được đáp ứng đối với những người trước đó đã đóng góp BHXH, thì sự bảo trợ xã hội lại thực hiện đối với những đối tượng mà quyền lợi họ sẽ nhận được khi bản thân họ không tự lo được cuộc sống tối thiểu hay sức lực của họ không thể vượt qua những rủi ro xã hội.
Đối tượng bảo trợ xã hội có thể là gia đình, có thể là cá nhân hoặc được thực hiện để giải quyết khó khăn cho cả một vùng, một địa phương gặp nạn. Bảo trợ xã hội được coi là “lưới đỡ cuối cùng” trong hệ thống An sinh xã hội. Vì vậy nó là sự bảo vệ của cộng đồng, mang tính nhân đạo, nhân văn cao.
Hoạt động bảo trợ xã hội trong những năm gần đây đã thực hiện tốt hai chức năng cơ bản: trợ giúp để ổn định và trợ giúp để tự lo, trong đó trợ giúp để tự lo có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên hoạt động trợ giúp phát triển ở một nước đang phát triển như nước ta là nhân tố cơ bản nhằm hỗ trợ cho các đối tượng xã hội có điều kiện tự vươn lên khẳng định mình trong xã hội, hòa nhập với đời sống cộng đồng - đó là hướng phát triển ổn định lâu dài.
Nguồn tài chính của hệ thống này rất đa dạng và phong phú, nó có thể từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ nguồn vay ưu đãi và đặc biệt là từ sự quyên góp mang tính đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái rất cao của dân tộc ta.
3. Hệ thống bảo hiểm xã hội:
Hệ thống này sẽ đảm bảo quyền lợi cho các thành viên tham gia trên cơ sở đóng góp của các thành viên căn cứ vào thu nhập từ lao động. Theo quan hệ đó thì phải có đóng góp mới có hưởng và không đóng góp thì không được hưởng. Còn mối quan hệ giữa mức đóng và quyền lợi được hưởng lại chịu sự ràng buộc của các nguyên tắc như: nguyên tắc đoàn kết tương trợ chia sẻ rủi ro, nguyên tắc tương quan giữa đóng và hưởng có sự can thiệp nhờ cách thức phân phối lại mang tính xã hội… trong từng chế độ riêng biệt. Phương thức BHXH dựa trên cơ sở luật pháp nhà nước theo số lớn, có nghĩa là những rủi ro gặp phải trong từng trường hợp riêng và những nhu cầu về tài chính không thể xác định trước sẽ được tính toán theo số lượng lớn đối với tất cả những người gặp phải rủi ro cùng loại. BHXH bao gồm những rủi ro mà ai cũng có thể gặp phải như: thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, tuổi già. Phù hợp với nó là sự bảo hiểm theo nghĩa vụ (bắt buộc) về thất nghiệp, ốm đau, tai nạn và hưu trí, tử tuất và do người lao động và chủ sử dụng cùng đóng góp. Trong lĩnh vực BHXH thì nguồn tài chính được hình thành chủ yếu từ đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động, ngoài ra còn có đóng góp bổ sung từ ngân sách nhà nước và quỹ BHXH được sự bảo hộ của Nhà nước. BHXH được đặt dưới sự giám sát của Nhà nước.
Ở nước ta, cải cách về BHXH được tiến hành từ năm 1995 và cũng thường xuyên được bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với hiện trạng kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Luật BHXH đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 09 thông qua ngày 29/06/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007; riêng đối với BHXH tự nguyện từ ngày 01/01/2008 và BHTN từ 01/01/2009.
Thực chất của BHYT được coi là chế độ khám, chữa bệnh (KCB) của chính sách BHXH, nhưng do lịch sử hình thành và phát triển ở nước ta có sự khác biệt và theo thói quen nên chúng ta thường gọi là chính sách BHYT. Từ năm 1992, nước ta đã triển khai chính sách BHYT. Luật BHYT đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 04 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009.
Như vậy, Hệ thống BHXH ở nước ta (bao gồm cả BHYT) được hình thành và phát triển theo đúng bản chất của nó từ năm 1992 đối với chế độ khám chữa bệnh (BHYT) và từ năm 1995 đối với các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất (BHXH). Sau hơn 16 năm triển khai thực hiện, đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN không ngừng tăng cao, từ hơn 2,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc năm 1995 đã tăng lên trên 10 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; hơn 10 vạn người tham gia BHXH tự nguyện và gần 8 triệu người tham gia BHTN vào năm 2011. Tương tự như vậy, từ 3,79 triệu người tham gia BHYT năm 1993 (chiếm 5,4% dân số), đến năm 2011 đã tăng lên 57 triệu người tham gia BHYT (chiếm trên 60% dân số). Riêng năm 2011 thực hiện giải quyết cho hơn trăm nghìn người hưởng chế độ BHXH hàng tháng, hơn nửa triệu người hưởng trợ cấp BHXH một lần, hơn 5,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ; giải quyết chế độ BHYT cho hơn 114 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; hàng tháng thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp kịp thời cho hơn 2,5 triệu người. Đến cuối năm 2010, nguồn quỹ BHXH tồn tích lên trên 140 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống An sinh xã hội là một hệ thống tổng hợp mà trong đó mỗi hệ thống riêng đều có vai trò, chức năng và phạm vi hoạt động riêng, mang tính kết hợp nhằm tạo ra một mạng lưới xã hội rộng khắp, bao trùm lên toàn bộ dân cư của một quốc gia với mục tiêu bảo vệ mọi thành viên của mình trước những rủi ro và giữ gìn cuộc sống ổn định của họ với những biện pháp thích hợp hay những quyền lợi hợp lý trước những biến động bất thường xảy ra hay những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt. Theo nghĩa đó thì không thể coi trọng hệ thống này hơn hệ thống kia vì ứng với mỗi cá nhân hay tập thể, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lại cần thiết đến một hình thức trợ giúp thích hợp của xã hội. Ví dụ, khi gặp bão lũ, những người dân phải chống chọi với thiên tai, phải tá túc trên nóc nhà thì khi đó gói mì tôm, chai nước uống… có ý nghĩa thiết thực hơn nhằm chống lại sự đói, khát để tồn tại và mong sớm được di dời khỏi cảnh bão lũ cũng như sớm khôi phục lại cuộc sống ngày thường trở thành mục tiêu cấp bách và khi đó những hoạt động cứu trợ xã hội lại có ý nghĩa quan trọng hơn hết. Tuy nhiên, căn cứ vào lịch sử phát triển của hệ thống An sinh xã hội và căn cứ vào hoạt động mang tính chủ động và độc lập thì có thể nói rằng BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững và mang tính vượt trội trong hệ thống An sinh xã hội. Phát huy đầy đủ vai trò của BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách Ưu đãi xã hội và Bảo trợ xã hội và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thứ nhất, BHXH là hoạt động cần thiết của xã hội nhằm bảo đảm, duy trì và phát triển nguồn lao động cho nền sản xuất xã hội.
Theo phương thức BHXH, BHYT, người lao động khi có việc làm và khỏe  mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc già cả để duy trì và ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Do vậy, hoạt động BHXH, BHYT một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và đối với cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ kế tiếp nhau trong một quốc gia, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị - xã hội bền vững.
Người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm đóng góp BHXH, BHYT cho người lao động. Nếu theo nhìn nhận ban đầu, việc đóng góp BHXH, BHYT cho người lao động có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng thực chất, về lâu dài, phương thức BHXH, BHYT đã chuyển giao trách nhiệm bảo vệ nguời lao động khi gặp phải rủi ro về phía xã hội, rủi ro được điều tiết trên phạm vi toàn xã hội, giúp cho chủ sử dụng lao động bớt những khó khăn, lo lắng về nguồn lao động của doanh nghiệp, yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đối với nước ta, nguồn lao động với trình độ chuyên môn chưa cao, người lao động có mức thu nhập ở mức bình quân chung toàn xã hội là chủ yếu thì biện pháp điều tiết thu nhập mang tính cộng đồng là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy, hải sản; da giày; dệt may… sử dụng nhiều lao động, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động nữ đều rất coi trọng chính sách BHXH, BHYT để bảo vệ và duy trì nguồn lao động của doanh nghiệp mình.
Hoạt động BHXH là hoạt động với mục tiêu nhằm bảo đảm trực tiếp cho yếu tố lao động của quá trình sản xuất. Xuất phát từ vai trò của lao động trong xã hội, lao động đã sáng tạo ra của cải cho xã hội và từ xa xưa, cùng với quá trình lao động đã sáng tạo ra con người và xã hội loài người, thì sự bảo vệ người lao động trong xã hội là mục tiêu và trách nhiệm hàng đầu của bất cứ xã hội nào. Như vậy, vai trò của lao động trong sự phát triển xã hội đã quy định vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống An sinh xã hội.
Thứ hai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đảm bảo sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Chính sách BHXH, BHYT hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản "đóng – hưởng" được hình thành và phát triển, đã tạo ra sự bình đẳng của người lao động về chính sách BHXH, BHYT. Khi đó, mọi người lao động làm việc ở các thành phần kinh tế khác nhau, làm việc trong các ngành nghề khác nhau, ở từng địa bàn khác nhau, theo các hình thức khác nhau đều được tham gia thực hiện các chính sách BHXH, BHYT. Xóa bỏ quan niệm trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực nhà nước, là công nhân viên chức nhà nước mới được coi là có việc làm và mới được hưởng các chính sách BHXH, BHYT.  Như vậy, mọi người lao động, không phân biệt thành phần kinh tế, không phân biệt nghề nghiệp, có việc làm đều là bộ phận của lao động xã hội, đồng thời sản phẩm và dịch vụ do lao động của họ tạo ra cũng là bộ phận cấu thành nên tổng sản phẩm xã hội.  Đó là cơ sở đảm bảo sự bình đẳng cho mọi người lao động trước những chính sách xã hội, trong đó có chính sách BHXH.  Phạm vi đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng được mở rộng đã thu hút được hàng triệu người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế khác nhau, khuyến khích họ tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi BHXH, BHYT, tạo được sự an tâm, tin tưởng và yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro: ốm đau, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp… sớm trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu cũng như sớm có việc làm, đồng thời góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, 
 Người lao động tham gia BHXH, BHYT khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí; được nhận tiền trợ cấp ốm đau do không đi làm việc được, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản;  khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra. Ngoài ra người lao động còn được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật nhằm nâng cao thể lực. Khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc gửi đi học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Với những quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT đã góp phần thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội, giữ gìn và nâng cao thể lực cho người lao động trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Mặt khác, với tâm lý của người Việt Nam, luôn tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Nhà nước, vì vậy khi làm việc được tham gia BHXH, BHYT và nhất là sau này sẽ được hưởng lương hưu đã tạo ra cho họ sự phấn khởi, tâm lý ổn định, an tâm vào việc làm mà họ đang thực hiện. Thực tế là nhiều doanh nghiệp, khi tuyên truyền quảng cáo tuyển dụng lao động, thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng thu hút được nhiều lao động.
Sự an tâm của người lao động cũng như sự bảo vệ sức lao động của họ thông qua chính sách BHXH, BHYT đã trở thành một chính sách thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội, đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển.
 Thứ tư, BHXH, BHYT là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm An sinh xã hội bền vững.
BHXH, BHYT đều được thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng, có nghĩa là người nào tham gia đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT thì người đó mới được hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT. Như vậy, nguồn để thực hiện chính sách là do người lao động đóng góp, Nhà nước không phải dùng ngân sách nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu An sinh xã hội lâu dài.
Trên thị trường lao động, "tiền lương là giá cả sức lao động" được hình thành tự phát trên thị trường căn cứ vào quan hệ cung cầu, căn cứ vào chất lượng lao động cũng như các điều kiện khung mà trong đó Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý thông qua những quy định về mức lương tối thiểu và những điều kiện lao động cần thiết. Quá trình hình thành tiền lương theo thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là sự phân phối lần đầu và phân phối trực tiếp cho từng người lao động. Sau  khi thực hiện phân phối lại lần thứ nhất - thông qua chính sách thuế thu nhập, Nhà nước thực hiện việc điều tiết phân phối lại lần thứ hai - thông qua chính sách BHXH, BHYT. Khi đó người nào có năng lực hơn sẽ nhận được tiền lương cao hơn và đương nhiên sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội để trợ giúp những người "yếu thế" hơn trong xã hội. Một bộ phận lao động khác do gặp phải rủi ro trong cuộc sống về sức khỏe, về năng lực, về hoàn cảnh gia đình… có việc làm không ổn định và thu nhập thấp hơn sẽ nhận được các quyền lợi BHXH, BHYT để duy trì cuộc sống. Như vậy, Nhà nước một mặt khuyến khích từng cá nhân trong xã hội tích cực làm giàu chính đáng, mặt khác với vai trò quản lý xã hội, Nhà nước điều tiết để cho người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống không phải rơi vào cảnh túng quẫn, bần hàn. Đây là một hình thức phân phối tích cực bởi lẽ nếu quyền lợi phân phối lại không căn cứ vào kết quả đóng góp theo thu nhập từ lao động trước đó một cách hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ỷ lại, lười lao động và chỉ mong chờ vào trợ cấp xã hội. Xa hơn nữa, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đạt đến một trình độ mà ở đó mọi thành viên trong xã hội đều có việc làm, có thu nhập và được bảo đảm một cơ sở sống tối thiểu thì lúc đó chính sách BHXH, BHYT chiếm vị trí chủ đạo, còn lại vai trò của Bảo trợ xã hội sẽ dần bị thu hẹp. Như vậy, phương thức phân phối lại bằng công cụ BHXH, BHYT chính là nhằm phân phối lại thu nhập giữa những người lao động trong xã hội một cách công bằng, hợp lý mà vẫn tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Mặt khác, chính sách BHXH, BHYT là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, giúp Nhà nước điều tiết mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và xã hội trên phương diện vĩ mô, đảm bảo cho nền kinh tế liên tục phát triển và giữ gìn ổn định xã hội trong từng thời kỳ cũng như trong suốt quá trình.
Thứ năm, quyền lợi của các chế độ BHXH, BHYT không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BHXH, BHYT và đặc biệt là người hưởng lương hưu, tạo sự an tâm, tin tưởng của người về hưu sau cả cuộc đời lao động.
Trong nhiều năm qua, kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Tương tự như vậy, các khung quyền lợi về BHYT, về chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu, mức trợ cấp tuất một lần… được cải thiện rõ rệt cũng như người bệnh ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ y học tiên tiến. Sở dĩ có được điều kiện nâng cao và mở rộng các quyền lợi của BHXH, BHYT là do phương thức tài chính ở nước ta được hình thành theo phương thức lập quỹ và có sự tính toán điều chỉnh quan hệ đóng - hưởng trong phạm vi toàn xã hội theo những dự báo về các yếu tố về kinh tế - xã hội trong tương lai. Việc lập quỹ BHXH đã gắn kết được trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp trong cùng chính sách BHXH. Chính sự phát triển nhanh của nền kinh tế nước ta của thế hệ đương thời đã góp phần cải thiện rõ rệt mức sống của người về hưu đã có đóng góp BHXH từ trước.
Mặt khác, quỹ BHXH của Việt Nam còn mang ý nghĩa của nguồn quỹ dự phòng. Chính nguồn quỹ dự phòng này sẽ là sự bảo hành của Nhà nước đối với người lao động cũng như các tầng lớp dân cư khác trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và điều tiết cân bằng xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn bị hạn chế. Khả năng cung cấp các dịch vụ y tế nói chung và nhất là ở tuyến cơ sở, ở những vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo đã hạn chế khả năng tiếp cận và được chăm sóc sức khỏe của người tham gia BHYT. Chính sách BHYT đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn còn bất cập; việc quản lý quỹ BHYT chưa chặt chẽ và quyền lợi của người khám, chữa bệnh BHYT còn chưa được bảo đảm tốt.
Đối với chính sách BHXH, một số chủ doanh nghiệp còn trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Mặt khác, cũng từ một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên còn có tới 2/3 nguồn lao động xã hội tự tạo việc làm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ phận lao động này một phần do nhận thức về chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ, phần khác do việc làm không ổn định và thu nhập thấp, nên chưa được tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động chưa phát huy đầy đủ trong hệ thống An sinh xã hội.
Chính sách BHXH, BHYT được thực hiện ở Việt Nam so với lịch sử hàng trăm năm trên thế giới thì chưa nhiều, nhưng nó lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Là một trụ cột vững chắc của hệ thống An sinh xã hội, BHXH, BHYT đã thực sự trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả giúp cho Nhà nước ta điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo cho người lao động và các thành viên trong gia đình của họ vượt qua những khó khăn do ốm đau, tai nạn, mất việc làm hay già cả… và góp phần ổn định xã hội. Do vậy, mục tiêu thực hiện BHXH cho mọi người lao động, thực hiện BHYT toàn dân cùng với việc không ngừng cải thiện và nâng cao quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT chính là nhằm phát huy đầy đủ vai trò trọng tâm của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống An sinh xã hội, tao ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Lampert Althammer – Lehrbuch der Sozialpolitik – Spinger  Berlin – Heidelberg New York 2004;
2. Franz – Arbeitsmarktoekonomik - Spinger  Berlin – Heidelberg New York 2006;
3. Breyer Zweifel Kifmann – Gesundheitsoekonomik - Spinger  Berlin – Heidelberg New York 2005;
4. Baecker - Bispinck – Hofemann – Naegele – Sozialpolitik und Soziale lage in Deutschland – Westdeutscher Verlag 2000;
5. Gabler Wirtschaftlexikon – Wisbaden 1988;
6. Bundesanstalt fur Rentenversicherung - Unsere Sozialversicherung 2006;
7. Frerich – Sozialpolitik – R. Oldenbourg Verlag Muenchen – Wien 2000.
8. Tài liệu Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của BHXH Việt Nam.
 

Tác giả bài viết: TS. Phạm Đình Thành

Nguồn tin: Tạp chí Bảo hiểm xã hội