Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH với công tác phát triển đội ngũ giảng viên

30/03/2020 06:01 PM


Đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của mỗi nhà Trường. Trong những năm gần đây Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ giảng viên vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, đạt chuẩn theo thông tư liên bộ số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6/6/2011 của Bộ Nội vụ, Bộ giáo dục và đào tạo

Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo thông tư liên Bộ số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6/6/2011 của bộ Nội vụ, Bộ giáo dục và đào tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực và được coi là một trong các yếu tố quan trọng nhất để xây dựng và phát triển nhà trường lên Học viện BHXH có chương trình đào tạo Đại học và sau Đại học về BHXH. Hiện tại, đội  ngũ giảng viên nhà trường còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trước mắt cũng như lâu dài của Trường, của Ngành BHXH. Cán bộ, viên chức được tuyển dụng từ nhiều chuyên ngành khác nhau, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của các khoa chuyên môn cũng như công tác nghiên cứu khoa học của Trường, đồng thời cũng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo. Nếu không bổ sung kịp thời hoặc không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhà Trường sẽ gặp khó khăn vì thiếu giảng viên có đủ năng lực chuyên môn trong tương lai.
Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 286/QĐ-BHXH ngày 22/3/2013 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030”, Quyết định số 51/QĐ-BHXH ngày 10/01/2013 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành “Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức viên chức Ngành BHXH giai đoạn 2011-2015”, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên số 19/KH-TĐT ngày 11/2/2014. Theo đó, từ nay đến năm 2030, mục tiêu phát triển của Trường là “Phát triển đội ngũ giảng viên, đảm bảo về số lượng chất và chất lượng, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có nghiệp vụ sư phạm, tác phong chuyên nghiệp, năng động, đáp ứng quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Trường trong từng giai đoạn”. Trong đó:
Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015:
Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên  đạt chuẩn theo quy định. Tuyển dụng thêm 10 giảng viên (4 tiến sỹ và 6 thạc sỹ), phấn đấu đạt 26 giảng viên giảng dạy đạt tiêu chuẩn quy định, trong đó trình độ từ thạc sỹ trở lên là 65%, phấn đấu đảm nhận 50% nội dung, kiến thức và thời lượng đào tạo, bồi dưỡng.
          Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020:
          Tuyển dụng và đào tạo tại chỗ thêm 30 giảng viên (3 Giáo sư & PGS, 10 tiến sỹ và 17 thạc sỹ), phấn đấu đến năm 2020 tổng số giảng viên toàn Trường là 70 giảng viên, trình độ từ thạc sỹ trở lên là 90% , Giáo sư, PGS, tiến sỹ 30% , phấn đấu đảm nhận  80% nội dung chương trình kiến thức đào tạo, bồi dưỡng.
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030:
          Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng quy mô đào tạo của Học viện Bảo hiểm xã hội. Tuyển dụng  giảng viên đảm bảo đạt chuẩn tỷ lệ 1 giảng viên/20 học viên theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, đảm nhận 100% nội dung, chương trình kiến thức đào tạo, bồi dưỡng và dạy đại học, sau đại học.
          Để đạt được mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên trong từng giai đoạn theo Kế hoạch số 19/KH-TĐT ngày 11/2/201, Trường đã đề ra một số giải pháp cơ bản sau đây:
* Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên: Trường đặc biệt chú trọng đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đạt chuẩn (giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp) theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ. Cử giảng viên đi học sau đại học (hiện có 5 người đang học cao học) và bồi dưỡng chuyên môn để tạo nguồn kế cận lâu dài cho nhà trường. Thường xuyên tập huấn, cập nhật kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ sư phạm tiên tiến, hiện đại cho giảng viên để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hoạt động Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên nhà Trường (Đồng chí Trần Quang Lâm – Hiệu trưởng nhà trường khai giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, viên chức nhà Trường)
* Thực hiện kiểm tra, đánh giá đội ngũ giảng viên: Thông qua kiểm tra, đánh giá đội ngũ giảng viên, lãnh đạo Trường nắm được năng lực của từng giảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ. Mỗi giảng viên xây dựng kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo tháng, quý, năm và đăng ký với đơn vị mình. Phòng Đào tạo tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của nhà Trường. Cuối năm, rà soát đối chiếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Đây là cơ sở để đánh giá thi đua cuối năm của mỗi giảng viên. Trường cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất hàng năm như: kế hoạch dự giờ, đánh giá chất lượng giảng dạy, kiểm tra hồ sơ giáo án, bài giảng… Tổng hợp kết quả kiểm tra đánh giá sau mỗi đợt, tổ chức họp rút kinh nghiệm để có sự đánh giá khách quan, công bằng. Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

 
Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà Trường (Đồng chí Trương Tố Như – Khoa Nghiệp vụ BHYT đang trình bày bài giảng)     
    * Có cơ chế chính sách tuyển dụng, thu hút giảng viên: Đối với giảng viên cơ hữu Trường thực hiện chế độ sàng lọc và nâng cao chất lượng tuyển chọn nhằm đảm bảo đội ngũ giảng viên có phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đặc cách tuyển dụng những cán bộ giảng viên trẻ có trình độ chuyên môn, có học hàm, học vị phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Có chính sách đãi ngộ để động viên, khuyến khích giảng viên có trình độ chuyên môn đang giảng dạy tại Trường; Có cơ chế thu hút giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ có chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành BHXH đã qua giảng dạy ở các trường đại học.
Đối với giảng viên thỉnh giảng Trường ký hợp đồng giảng dạy với các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia có kinh nghiệm và phương  pháp giảng dạy ở các trường Đại học, các Ban nghiệp vụ của Ngành, tạo cơ hội trao đổi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên của Trường. Đồng thời đảm bảo điều kiện làm việc và cơ chế chính sách đãi ngộ cho các giảng viên thỉnh giảng.
* Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước: Trường chủ động liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo về BHXH, BHYT có uy tín trong nước để học hỏi chuyên môn nghiệp vụ và trao đổi  kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Trong thời gian tới, Trường sẽ lựa chọn giảng viên có đủ điều kiện tham gia các chương trình đào tạo từ các dự án quốc tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các dự án, đề án về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có vốn đầu tư nước ngoài để giảng viên được nâng cao trình độ.
Như chúng ta đã biêt, yếu tố con người luôn là điều kiện tiên quyết đối với mỗi đất nước, mỗi quốc gia. Là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Đảng ta đã khẳng định: “ Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển” “Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp”. Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH, trước đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ mà Ngành giao phó, luôn xác định: phát huy chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Từ việc nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ những giá trị đích thực và ý nghĩa lớn lao của nhân tố con người, việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên của Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt./.

Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Đức Trong, Ths. Ngô Thị Thúy