Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH: Bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Phát triển hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước các thách thức của an ninh phi truyền thống”.
05/05/2023 04:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 05/5/2023, tại trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số 150 Phố Vọng, Thanh Xuân, Hà Nội, Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2021 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu đề tài “Phát triển hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam trước các thách thức của an ninh phi truyền thống” do ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường làm Chủ nhiệm. Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Nguyễn Vinh Quang - chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Đề tài, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tổ chức nghiên cứu đề tài, vấn đề an ninh phi truyền thống là vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhiệm Đề tài trình bày báo cáo tóm tắt
Trong xã hội hiện đại ngày nay, các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, xung đột sắc tộc tôn giáo, nghèo đói, bệnh tật, tộị phạm rửa tiền... đang được đặt ra. Đó chính là vấn đề về an ninh phi truyền thống đang ngày càng lan rộng và trở thành toàn cầu hóa, an ninh toàn cầu. Đây là một loại hình an ninh xuyên quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. Do vậy, mỗi Bộ, Ngành cần nhận diện và có các giải pháp thích hợp để phòng chống, ngăn ngừa.
Đối với Ngành BHXH: hiện tại các tài liệu nghiên cứu về an ninh phi truyền thống chưa nhiều, chưa có những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến tác động của an ninh phi truyền thống đối với hệ thống BHXH ở nước ta. Mức độ ảnh hưởng của vấn đề an ninh phi truyền thống đối với sự phát triển BHXH, BHYT trên cả hai phương diện chung và riêng, trực tiếp và gián tiếp, cũng như các yêu cầu, điều kiện đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của ngành BHXH trước các thách thức của an ninh phi truyền thống chưa có tài liệu nào đề cập đến.
Vì vậy, việc nghiên cứu Đề tài “Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam trước các thách thức của an ninh phi truyền thống” là việc làm rất quan trọng, ý nghĩa đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay. Đề tài sẽ đánh giá, định hình nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến mất an ninh phi truyền thống từ một số hoạt động của hệ thống BHXH. Theo đó, đề xuất định hướng, giải pháp góp phần phát triển hệ thống BHXH bền vững hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau khi trình bày đầy đủ nội dung, bố cục của Đề tài, TS. Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh về phương pháp nghiên cứu, thông qua khảo sát và nghiên cứu tài liệu thứ cấp, nhóm nghiên cứu đã phản ánh được thực trạng tác động của an ninh phi truyền thống với các mức độ khác nhau như: thấp, cao, rất cao hoặc có nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao theo các lĩnh vực của BHXH như: tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong số các lĩnh vực bảo hiểm thì quản trị cơ sở dư liệu và quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm được đánh giá là có tác động cao nhất đối với an ninh phi truyền thống, tiếp đến là các lĩnh vực chính sách BHXH không hợp lý, thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Điều kiện đảm bảo cho phát triển hệ thống BHXH Việt Nam trước các thách thức của an ninh phi truyền thống là điều không thể thiếu. Vì vậy, cũng với những nghiên cứu lý luận, thực tiễn và định hướng giải pháp, nhóm nghiên cứu cũng xác định một số điều kiện như: thống nhất giữa nhân thức lý luận với hành động thực tiễn, chính trị - pháp lý, thực tiễn thực hiện (trong đó đáng chú ý là cải tiến công nghệ trong cách mạng 4.0) và ảnh hưởng của mức độ phát triển kinh tế - xã hội cụ thể gắn với ngành, cần chú trọng nhằm đảm bảo cho phát triển hệ thống BHXH Việt Nam trong thời gian tới theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
Trên phương diện định hướng giải pháp, cùng với việc xác định sáu quan điểm theo ba nhóm để định hình trên phương diện tư tưởng, làm cơ sở cho việc đề xuất, nhóm nghiên cứu đã đề xuất định hướng giải pháp phát triển hệ thống BHXH Việt Nam theo các nhóm: đối với các yếu tố phát triển tổ chức (chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; nhân lực tổ chức; cơ sở vật chất - kỹ thuật); đối với các lĩnh vực hoạt động của bảo hiểm (quản lý, sử dụng các quỹ; thực hiện chính sách BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ). Cùng với những định hướng kiến nghị cơ bản nêu trên, nhóm nghiên cứu có những kiến nghị về: nghiên cứu xây dựng Chỉ số phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam; bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn mạng; đấy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, mặt bằng dân trí về an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực BHXH.
Các thành viên Hội đồng đánh giá nghiệm thu Đề tài
Sau khi nghe Chủ nhiệm Đề tài trình bày, các thành viên Hội đồng phát biểu đánh giá Đề tài đã được Ban Chủ nhiệm chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm. Đề tài có kết cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu đặt ra, các chương mục bố cục hợp lý, nội dung đã khái quát được kinh nghiệm của một số nước liên quan về lĩnh vực này. Đồng thời, Đề tài đã nêu được thực trạng thách thức của an ninh phi truyền thống đối với ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt đánh giá được các ưu điểm, nhược điểm để từ đó đề xuất các nhóm giải pháp tổng quát và cụ thể.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để Ban Chủ nhiệm có thể bổ sung, hoàn thiện để Đề tài mang tính toàn diện hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Ngành BHXH Việt Nam trước tác động của an ninh phi truyền thống trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, Chủ tịch Hội đồng phát biểu
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, ông Nguyễn Vinh Quang, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài, thực tiễn nghiên cứu, đồng thời đánh giá cao tính hiệu quả cũng như ý nghĩa xã hội của Đề tài. Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng. Hội đồng thống nhất nghiệm thu thông qua Đề tài./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương
BHXH Việt Nam và NPS nâng tầm hợp tác phát triển