Hội nghị phổ biến nội dung góp ý Dự thảo Luật BHXH sửa đổi

25/04/2023 10:33 AM


Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, sáng ngày 20/4/2023, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung góp ý Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các khoa, phòng và toàn thể viên chức trong trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Văn Điềm – Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến nội dung góp ý Dự thảo Luật BHXH của BHXH Việt Nam đến công chức, viên chức thuộc đơn vị. Đồng chí cũng yêu cầu kết thúc Hội nghị mỗi công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến qua địa chỉ website Chính phủ (www.chinhphu.vn) và website Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (www.molisa.gov.vn). Lãnh đạo Trường giao Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH báo cáo những nội dung góp ý Dự thảo Luật của BHXH Việt Nam. Đồng chí Lương Thị Thu Hiền đại diện Khoa trình bày báo cáo với 3 nội dung chính: sự cần thiết xây dựng Luật BHXH (sửa đổi); những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung và nội dung góp ý Dự thảo Luật của BHXH Việt Nam.

Đồng chí Trần Văn Điềm – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị cùng thảo luận, chia sẻ và đề xuất góp ý Dự thảo Luật của Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH. Hội nghị thống nhất quan điểm xây dựng Luật BHXH (sửa đổi); thống nhất với những nội dung Dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng, đảo bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng những mong đợi của người dân như: sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn do không tham gia liên tục được, không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH nhưng vẫn được hưởng lương hưu, được quỹ BHXH chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; sửa đổi quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện làm tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, góp phần tăng nhanh diện bao phủ; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trở thành một tầng của hệ thống BHXH đa tầng nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia…

Đồng chí Lương Thị Thu Hiền – Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH trình bày báo cáo

Bên cạnh đó, Hội nghị tập trung phân tích 69 nội dung tham gia góp ý Dự thảo Luật của BHXH Việt Nam theo từng chủ điểm và nhận định đây là những góp ý thiết thực, có có sở pháp lý và thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hội nghị cũng phân tích và đưa ra các ý kiến góp ý Dự thảo Luật như sau:

Thứ nhất: Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (Điều 37) đề nghị xem xét sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 37 “a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)”. Lý do: Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì tiền lương sẽ được trả theo vị trí việc làm, bỏ phụ cấp thâm niên… như vậy cần điều chỉnh những quy định hiện nay cho phù hợp với xu thế cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thứ hai: Đề nghị bổ sung cụm từ “bắt buộc” vào Điều 44 thành “Điều 44: Xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH bắt buộc” để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và phân biệt với BHXH tự nguyện.

Thứ ba: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét và quy định rõ hơn về nội dung tại khổ 2 điểm g khoản 1 Điều 79 về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Trần Văn Điềm – Phó hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và chu đáo của Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH cũng như ý thức tham gia thảo luận, đề xuất góp ý của công chức, viên chức trong trường. Đây là hoạt động sinh hoạt chuyên môn rất thiết thực, bổ ích, cần được phát huy, nhân rộng trong toàn trường.

 

 

 

Tác giả: Trần Thị Thùy Dương