Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội

22/07/2024 08:22 AM


CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ BẢO HIỂM XÃ HỘI
(ban hành tại Quyết định số 178/QĐ-BHXH ngày 06/02/2023 và Quyết định số 480/QĐ-TĐT ngày 27/3/2023)

 

I. Vị trí và chức năng

1. Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiếm xã hội Việt Nam, có chức năng giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Giám đốc) tổ chức công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo phân cấp; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Trường chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. 

3. Trường có tên giao dịch quốc tế là: Training Institute for Social Security Operation.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng, trình Tổng Giám đốc quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về phát triển Trường phù hợp với yêu cầu bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt về đào tạo, bồi dưỡng 

a) Xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ gửi Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Giám đốc quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và phê duyệt theo quy định; triển khai các chương trình bồi dưỡng sau khi được Tổng Giám đốc ban hành.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn tài liệu các chương trình được giao tổ chức bồi dưỡng; trình Tổng Giám đốc quyết định việc tổ chức thẩm định hoặc phê duyệt tài liệu được giao biên soạn, trước khi trình Tổng Giám đốc ban hành; quản lý, cập nhật, bổ sung, sử dụng để giảng dạy.

c) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm cho công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

d) Tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng: Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương; công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chương trình bồi dưỡng khác do cấp có thẩm quyền giao.

đ) Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc; bồi dưỡng lý luận chính trị; quản lý nhà nước; kiến thức đối ngoại; kỹ năng hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin và các chương trình bồi dưỡng, các kiến thức bổ trợ khác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Trường được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

e) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

g) Tổ chức đánh giá chất lượng bồi dưỡng công chức, viên chức theo quy định; báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Đề xuất nâng cao chất lượng bồi dưỡng phù hợp với đặc thù và yêu cầu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

h) Cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho học viên sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng do Trường tổ chức theo quy định của pháp luật. 

i) Quản lý học viên, cấp giấy khen cho học viên có thành tích học tập xuất sắc trong các khóa bồi dưỡng theo quy định.

k) Quản lý, vận hành hệ thống bồi dưỡng trực tuyến được giao theo quy định.

2. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác đào tạo, bồi dưỡng

a. Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận làm cơ sở khoa học phục vụ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tư vấn, cung cấp các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

b. Chủ trì hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các đơn vị, tổ chức trong nước thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao; phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài nước thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tham gia các dự án quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.

3. Quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng đội ngũ viên chức làm giảng viên của Trường; căn cứ nhu cầu bồi dưỡng, được ký hợp đồng với chuyên gia làm giảng viên thỉnh giảng của Trường theo quy định của pháp luật.

4. Xây dựng và quản lý thư viện của Trường để phục vụ nhu cầu của học viên và công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tra cứu thông tin, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành và các tư liệu khác có liên quan. 

5. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo các điều kiện vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao.

6. Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập của Trường; cải cách hành chính; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN; thi đua “ khen thưởng; tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định.

7. Thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo; văn thư, lưu trữ; quản lý công chức, viên chức; quản lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc giao.

III. Chế độ quản lý và điều hành

1. Trường do Hiệu trưởng quản lý, điều hành theo chế độ Thủ trưởng. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trường. Giúp việc Hiệu trưởng có không quá 03 Phó Hiệu trưởng. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng do Tổng Giám đốc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật theo quy định.

2. Hiệu trưởng ban hành quy định về phân công nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc và quy chế giảng dạy, học tập của Trường; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đúng quy định.

3. Hiệu trưởng phân công hoặc ủy quyền cho Phó Hiệu trưởng giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về quyết định của Phó Hiệu trưởng được phân công, hoặc ủy quyền giải quyết./.