Đổi mới, sáng tạo trong bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức ngành BHXH

20/11/2020 08:08 AM


Năm 2020, được sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay, trước xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trong khu vực và trên toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong những năm qua, ngành BHXH đặc biệt quan tâm và xác định ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành là khâu đột phá và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.  

Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH cũng phải luôn đổi mới, sáng tạo để thích ứng với xu thế hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0. Để bắt kịp xu hướng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức trong ngành.

Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 phải giãn cách xã hội không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Trường đã chuyển sang tổ chức bồi dưỡng từ xa (kết hợp giữa E-Learning và Hội nghị truyền hình) với mục tiêu tiết kiệm kinh phí tổ chức lớp học, học viên chủ động về thời gian, linh hoạt về không gian, giảm tải trong di chuyển, đi lại của học viên, tạo điều kiện để CCVC giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, giúp học viên tiếp cận bài giảng trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành.

           Đồng chí Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ

Với hình thức bồi dưỡng trực tuyến (E-learning), các bài giảng được ghi hình từ trước (học liệu điện tử), được lưu trữ tại một máy chủ, được giảng viên hoặc quản trị viên đăng tải lên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Học viên sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính bàn, laptop hay điện thoại thông minh truy cập vào hệ thống để theo dõi các bài giảng dưới định dạng video clip. Giảng viên và học viên có thể giao tiếp qua mạng với nhiều hình thức như gửi tin nhắn, tham gia diễn đàn trên hệ thống. Ngoài ra, hệ thống cũng cho phép các học viên trao đổi, thảo luận, làm bài thi, bài khảo sát trực tuyến từ xa mọi nơi, mọi lúc.

Với hình thức bồi dưỡng ứng dụng hội nghị truyền hình, giảng viên sẽ giảng dạy trực tiếp tại điểm cầu đặt tại Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH, học viên sẽ tập trung tại các điểm cầu của BHXH tỉnh, thành phố và các BHXH huyện để nghe giảng, tham gia phát biểu, trao đổi và thảo luận. Mỗi điểm cầu có một cán bộ kỹ thuật thực hiện việc duy trì kết nối, đảm bảo vận hành hệ thống thông suốt. Việc khảo sát chất lượng lớp học, thông báo các nội dung liên quan có thể sử dụng các nền tảng đối thoại trực tuyến phổ biến như: Google, Zalo… hoặc hệ thống bồi dưỡng trực tuyến E-learning.

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ của nhà Trường cũng được thiết kế theo hình thức đổi mới, kết hợp giữa hình thức học trực tuyến (E-learning), và hình thức học ứng dụng hội nghị truyền hình. Theo đó, học trực tuyến (E-learning) sẽ dành cho các chuyên đề có nội dung giới thiệu chung, lý thuyết; còn học qua hội nghị truyền hình sẽ dành cho các chuyên đề có nội dung thực hành, thảo luận cần tương tác giữa giảng viên và học viên. Trong năm 2020, thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và căn cứ vị trí việc làm của viên chức Ngành BHXH, Trường đã phối hợp với các Vụ, Ban nghiệp vụ, các chuyên gia trong và ngoài Ngành xây dựng 10 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Ngành BHXH cho phù hợp, thay thế chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt tại Quyết định 873/QĐ-BHXH ngày 08/8/2013 không còn tính mới, cần được bổ sung, cập nhật trong đó: Có 03 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đã được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành và đưa vào sử dụng gồm: Chương trình bồi dưỡng cán bộ mới vào ngành BHXH; Chương trình bồi dưỡng kế toán viên ngành BHXH; Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giám định BHYT. Còn 04 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện trình Tổng Giám đốc ký ban hành gồm: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Thu, Sổ thẻ và Phát triển đối tượng BHXH, BHYT; Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Giải quyết chế độ và Chi trả BHXH, BHTN; Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm tra và Giải quyết khiếu nại tố cáo; Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Lưu trữ - Văn phòng.  Hiện nay Trường đang xây dựng và hoàn thiện 03 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, dự kiến đầu năm 2021 trình lãnh đạo ngành thẩm định và phê duyệt, gồm: Chương trình bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài chính đối với chủ tài khoản BHXH cấp huyện; Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý tài chính – kế toán đối với kế toán trưởng, kế toán tổng hợp thuộc BHXH cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Chương trình bồi dưỡng kỹ năng truyền thông. Nội dung chương trình tập trung chủ yếu vào kỹ năng, cập nhật chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm (80% thời lượng), cập nhật kiến thức chung (20% thời lượng).

Công tác khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên cũng được cải tiến, đổi mới bằng hình thức trực tuyến. Kết thúc mỗi chuyên đề, học viên được nhận xét, đánh giá giảng viên công khai, khách quan thông qua phiếu khảo sát online. Học viên sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính bàn, laptop hay điện thoại thông minh truy cập và trả lời các câu hỏi khảo sát trực tiếp. Với phương pháp này, ngay cuối buổi học, nhà Trường đã có kết quả đánh giá cụ thể của học viên, đảm bảo độ bảo mật về danh tính học viên nên rất khách quan, chính xác. Từ đó, giúp công tác quản lý của lãnh đạo nhà trường sát sao, kịp thời hơn đồng thời giúp cho đội ngũ giảng viên nhà Trường nắm được những ưu nhược điểm trong từng giờ dạy để điều chỉnh rút kinh nghiệm, hoàn thiện bài giảng ngày càng tốt hơn.

Ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức trong ngành, đặc biệt là bồi dưỡng ứng dụng Hội nghị truyền hình là một hình thức còn mới mẻ, chưa được áp dụng rộng rãi, hiện tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, cấp ngành chưa xây dựng, chưa ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực này, chưa có các hướng dẫn cụ thể. Trường là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đi đầu trong công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CCVC bằng hình thức Hội nghị truyền hình. Điều đó thể hiện tinh thần tiên phong, kịp thời nắm bắt xu hướng theo đúng chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ và của Ngành về triển khai quản lý nhà nước điện tử trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Ngô Thị Thúy